“THỢ VẼ” KIẾN TRÚC

Khi bắt đầu muốn “thay áo mới” cho không gian, khi bạn có những dự định ý tưởng trong đầu, điều đầu tiên có lẽ bạn sẽ làm là tìm đến một Kiến Trúc Sư. Bạn nghĩ rằng KTS sẽ diễn họa ý tưởng của mình ra giấy , vô hình chung thật nhiều người coi một KTS trở thành một “thợ vẽ” chính hiệu. Nhưng trên thực tế, Vẽ kiến trúc cũng là một bộ môn nghệ thuật, một bộ môn hội tụ của cái đẹp, tri thức, sự hiểu biết và sức sáng tạo không ngừng nghỉ. Và nếu kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật thì kiến trúc sư là một người nghệ sỹ, có cái tôi. cái chất riêng biệt. Tất nhiên sẽ không một nghệ sỹ nào muốn biến mình thành một người “thợ”, người làm theo những bản dập khuân có sẵn, quen tay, hay làm và tuyệt nhiên yêu cầu sáng tạo với một người thợ là một điều khó khăn.

Để cho ra được những tác phẩm cụ thể, vừa thể thiện cái tôi KTS, vừa đảm bảo phần “hồn” phù hợp với gia chủ, KTS sẽ không chỉ là KTS như bạn tưởng.

Trước hết họ phải là người tư vấn với kho tàng kiến thức trong nghề, trong đời sống, sự hiểu biết và tìm tòi những cái mới luôn được vận hành song song với cuộc sống của họ. trước khi đến với bản vẽ, KTS cần đưa ra được những phân tích, định hướng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến công trình như: tư vấn đầu tư , tư vấn giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật…; tư vấn giải pháp vật liệu, thi công; tư vấn quản lý và vận hành công trình… Thông thường tất cả những tư vấn thường được cô đọng nhất để gửi thông tin cần thiết tới khách hàng, đôi khi chỉ là “nói mấy câu” hoặc “ngoạc mấy nét” nhưng đó là cả một vấn đề và có ý nghĩa gấp cả ngàn lần một tập hồ sơ thiết kế sạch sẽ chỉn chu nhưng chất lượng tồi về chuyên môn.

Sau khi nhận được cái gật đầu của khách hàng, KTS sẽ phác thảo phương án đầu cụ thể hoá những ý tưởng, giải pháp ban đầu trong quá trình tư vấn thành những thiết kế cụ thể với những mặt bằng công năng, không gian kiến trúc, hình khối, đường nét cho hình thức. Kiến trúc sư, với tư cách là tác giả công trình, hay còn được gọi là chủ nhiệm đồ án, kiến trúc sư chủ trì… còn có nhiệm vụ quản lý chuyên môn trong quá trình tư vấn – thiết kế công trình đó. Bởi để thực hiện ra một sản phẩm cuối cùng là những bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công thì phải trải qua thời gian dài, qua nhiều bước cùng nhiều nhân lực. Kiến trúc sư phải là người nắm tổng quan, điều phối, kết nối các giai đoạn, các hạng mục.

Vậy danh xưng “THỢ VẼ” liệu có đúng? Nó không thể hiện được những “sự trả giá” của một KTS khi bắt tay vào kiến tạo một không gian, chắc chắn không một KTS nào muốn bị gọi dưới cái mác “thợ”, với những hiểu lầm mà khách hàng vẫn đang tồn tại, trở thành những băn khoăn trăn trở của giới làm nghề.